20/9/10

Yêu thích cả nghề y và nghề giáo

Hành nghề BS buộc tôi phải luôn học và tìm tòi kỹ thuật mới để giúp bệnh nhân. Khi được Ban giám đốc Trung tâm chẩn đoán Y khoa TP.HCM tạo điều kiện, tôi đã cố học cho được kỹ thuật tắc mạch máu trong điều trị khối u tử cung. Đây là kỹ thuật giúp ích rất nhiều cho bệnh nhân nữ, giữ được tử cung giúp bệnh nhân, nếu chưa có con, họ sẽ có thêm cơ hội có con, nếu lớn tuổi, sẽ có chất lượng sống tốt hơn. Những kinh nghiệm trong quá trình hành nghề tôi đã đem ra hướng dẫn lại cho học viên tại BV Đại học Y Dược, Hoàn Mỹ Cửu Long, Hoàn Mỹ Đà Nẵng, BV 108...

Nhưng với tôi, ấn tượng nhất là kỷ niệm về cô học trò "ba trong một" vừa là học viên, bệnh nhân và đồng nghiệp. Sau buổi giảng về "Bệnh lý bẩm sinh teo động mạch", cô học trò nhỏ tìm đến tôi thổ lộ: "Cô ơi! Em có đủ các triệu chứng mà cô nói trong bài". Ngay sau đó, bạn trẻ này được kiểm tra và phát hiện bị teo động mạch cảnh – bộ phận làm nhiệm vụ "chuyên chở" máu lên não. Đây là lý do khiến cô học trò của tôi học rất mau quên! Ca mổ được thực hiện ngay sau đó và thành công tốt đẹp. Nhờ điều trị sớm mà cô học trò ấy có chất lượng sống tốt hơn, học tập tốt hơn. Nghề y là nghề  học... cả đời. Trong một lần tham dự khóa học tại Pháp, có một đồng nghiệp người Pháp đã xin phép thầy (giáo sư nổi tiếng trong lĩnh vực mạch máu) được trình bày nghiên cứu của mình. Ngặt một nỗi, phương pháp mà anh trình bày lại nói lên khuyết điểm của... thầy mình. Chúng tôi ai cũng xanh mặt, vì nghĩ đến một kết cuộc không vui. Thế mà câu nhận xét của giáo sư lại là: "Tôi thực sự nghiêng mình trước anh. Trong suốt 28 năm thực hiện kỹ thuật này, tôi không nghĩ ra cách khắc phục. Vậy mà anh, người có tuổi đời và tuổi nghề chỉ bằng phân nửa tôi lại tìm ra được".  Câu trả lời của vị giáo sư đã cho tôi một bài học về tư cách của một người thầy. Và tôi mong muốn có được những người học trò như thế.
BS NGUYỄN HOÀI THU (ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM)

18/9/10

Làm gì khi phát hiện dị tật của thai qua siêu âm?

Theo VnExpress - 03/04/2002
Đa số các dị tật của thai nhi có thể được chữa khỏi bằng phẫu thuật, giúp bé có cuộc sống bình thường. Trường hợp bị dị tật không mổ được hay không thể chữa khỏi hoàn toàn ở não, tim mạch và gan mật..., giải pháp tốt nhất là huỷ thai. Tuy nhiên điều này phải được thực hiện càng sớm càng tốt.
Song song với sự phát triển của các kỹ thuật hiện đại giúp phát hiện bệnh sớm, sự tiến bộ vượt bực của kỹ thuật hồi sức và mổ sớm trên sơ sinh làm tăng khả năng sống sót của trẻ bị dị tật. Hiện nay, các bác sĩ có thể chữa khỏi những dị tật lớn như thoát vị hoành, teo ruột, ứ nước ở thận do hẹp khúc nối bể thận niệu quản, sứt môi hở hàm ếch, một số trường hợp tim bẩm sinh, các dị tật về đường tiêu hoá gan mật... Vì vậy, cha mẹ cần bình tĩnh và lắng nghe ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa để có quyết định đúng nhất.
Các trường hợp cần huỷ thai sớm:
- Quái thai, thai không có đầu, không có chân tay hay chân tay không hoàn thiện.
- Dị dạng không thể chữa được hay sai lệch về nhiễm sắc thể, về di truyền.
- Bệnh tật ảnh hưởng đến tính mạng của bà mẹ hoặc dẫn tới đời sống thực vật của em bé.
Trường hợp xuất hiện các dị dạng mạch máu ở não, não úng thuỷ... cần có ý kiến của các bác sĩ ngoại thần kinh. Tất cả những quyết định quan trọng như vậy luôn cần sự thống nhất ý kiến của các bác sĩ và nhất là của người mẹ.
BS Nguyễn Hoài Thu, Người Lao Động

Điều trị nhân xơ tử cung bằng phương pháp mới UA

Thứ hai, 30 Tháng tám 2004, 05:50 GMT+7
Bằng phương pháp UAE (thuyên tắc động mạch tử cung qua da bằng hệ thống máy DSA), những bệnh nhân bị nhân xơ tử cung có thể không bị cắt tử cung hoặc trải qua một cuộc phẫu thuật lớn để bóc nhân xơ, thời gian nằm viện ngắn. BS Nguyễn Hoài Thu - Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM - cho biết như trên tại hội thảo tim mạch học can thiệp cuối tuần qua.

Theo Tuổi trẻ - 30/08/2004
TT - Bằng phương pháp UAE (thuyên tắc động mạch tử cung qua da bằng hệ thống máy DSA), những bệnh nhân bị nhân xơ tử cung có thể không bị cắt tử cung hoặc trải qua một cuộc phẫu thuật lớn để bóc nhân xơ, thời gian nằm viện ngắn. BS Nguyễn Hoài Thu - Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM - cho biết như trên tại hội thảo tim mạch học can thiệp cuối tuần qua.
Theo BS Hoài Thu, UAE là phương pháp điều trị mới, ít xâm phạm để kiểm soát cầm máu. Ngoài ra, UAE còn được ứng dụng trong điều trị ung thư tế bào nuôi, ung thư tử cung, vòi trứng...
Được biết, Bệnh viện ĐH Y dược là nơi đang ứng dụng phương pháp UAE để điều trị một số bệnh lý sản phụ khoa nói trên.