20/9/10

Yêu thích cả nghề y và nghề giáo

Hành nghề BS buộc tôi phải luôn học và tìm tòi kỹ thuật mới để giúp bệnh nhân. Khi được Ban giám đốc Trung tâm chẩn đoán Y khoa TP.HCM tạo điều kiện, tôi đã cố học cho được kỹ thuật tắc mạch máu trong điều trị khối u tử cung. Đây là kỹ thuật giúp ích rất nhiều cho bệnh nhân nữ, giữ được tử cung giúp bệnh nhân, nếu chưa có con, họ sẽ có thêm cơ hội có con, nếu lớn tuổi, sẽ có chất lượng sống tốt hơn. Những kinh nghiệm trong quá trình hành nghề tôi đã đem ra hướng dẫn lại cho học viên tại BV Đại học Y Dược, Hoàn Mỹ Cửu Long, Hoàn Mỹ Đà Nẵng, BV 108...

Nhưng với tôi, ấn tượng nhất là kỷ niệm về cô học trò "ba trong một" vừa là học viên, bệnh nhân và đồng nghiệp. Sau buổi giảng về "Bệnh lý bẩm sinh teo động mạch", cô học trò nhỏ tìm đến tôi thổ lộ: "Cô ơi! Em có đủ các triệu chứng mà cô nói trong bài". Ngay sau đó, bạn trẻ này được kiểm tra và phát hiện bị teo động mạch cảnh – bộ phận làm nhiệm vụ "chuyên chở" máu lên não. Đây là lý do khiến cô học trò của tôi học rất mau quên! Ca mổ được thực hiện ngay sau đó và thành công tốt đẹp. Nhờ điều trị sớm mà cô học trò ấy có chất lượng sống tốt hơn, học tập tốt hơn. Nghề y là nghề  học... cả đời. Trong một lần tham dự khóa học tại Pháp, có một đồng nghiệp người Pháp đã xin phép thầy (giáo sư nổi tiếng trong lĩnh vực mạch máu) được trình bày nghiên cứu của mình. Ngặt một nỗi, phương pháp mà anh trình bày lại nói lên khuyết điểm của... thầy mình. Chúng tôi ai cũng xanh mặt, vì nghĩ đến một kết cuộc không vui. Thế mà câu nhận xét của giáo sư lại là: "Tôi thực sự nghiêng mình trước anh. Trong suốt 28 năm thực hiện kỹ thuật này, tôi không nghĩ ra cách khắc phục. Vậy mà anh, người có tuổi đời và tuổi nghề chỉ bằng phân nửa tôi lại tìm ra được".  Câu trả lời của vị giáo sư đã cho tôi một bài học về tư cách của một người thầy. Và tôi mong muốn có được những người học trò như thế.
BS NGUYỄN HOÀI THU (ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét